Tiếp tục thể hiện sự minh bạch qua đo thời gian giải phóng hàng

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan đang triển khai đo thời gian giải phóng hàng XNK cấp cục hải quan năm 2017, đây được coi là thước đo đánh giá hiệu quả tạo thuận lợi thương mại của cơ quan Hải quan.
 
Ông Kim Long Biên (ảnh), Phó Trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan).

Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn ông Kim Long Biên (ảnh), Phó Trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) xung quanh việc triển khai cuộc đo năm nay.

Trong bối cảnh hiện nay Chính phủ rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, việc ngành Hải quan triển khai các cuộc đo thời gian giải phóng hàng XNK qua từng năm có ý nghĩa như thế nào trong việc giảm thời gian thông quan hàng hóa, thưa ông?

Chỉ số về thời gian thông quan/giải phóng hàng thực hiện theo phương pháp của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) được sử dụng như là một thước đo để đánh giá hiệu quả tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và các bên liên quan trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Điều này cũng thể hiện rõ trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia như Hiệp định về Tạo thuận lợi thương mại của WTO, điểm 6, Điều 7 ghi rõ “khuyến khích các thành viên đo và công bố thời gian giải phóng hàng trung bình theo định kỳ và theo một phương pháp thống nhất (như phương pháp TRS của WCO)”.

Năm 2013 và năm 2015, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai cuộc đo thời gian giải phóng hàng xuất khẩu, nhập khẩu liên ngành với sự tham gia giám sát của VCCI và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Từ năm 2016, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý tại từng cấp thực thi (cấp Cục, cấp Chi cục), giúp lãnh đạo các cấp nắm rõ thực trạng thực hiện thủ tục tại đơn vị, xác định vướng mắc, xây dựng kế hoạch hành động nhằm giảm thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tại từng cấp, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các cục hải quan địa phương tổ chức đo thời gian giải phóng hàng cấp Cục. Mục tiêu của việc đo thời gian giải phóng hàng là đánh giá thời gian trung bình làm thủ tục thông quan hàng hóa, thời gian trung bình xử lý từng khâu nghiệp vụ trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa của Cục và các Chi cục trực thuộc; Xác định các khâu nghiệp vụ, các yếu tố ảnh hưởng đến thời gian thông quan của cơ quan Hải quan và đề xuất biện pháp để giảm thời gian thông quan; xác định chỉ số gốc, tạo ra các dữ liệu để so sánh, đánh giá kết quả hoạt động hải quan của đơn vị qua từng năm.

Kết quả đo thời gian trung bình giải phóng hàng là cơ sở để triển khai một loạt các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hải quan (triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, thực hiện e-manifest, e-payment…); Tăng cường triển khai và thực hiện kết nối hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; Nâng cao hiệu quả, giảm thời gian của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng xuất, nhập khẩu; Đề xuất xây dựng, sửa đổi quy định pháp luật hải quan, pháp luật có liên quan nhằm đơn giản, hài hóa hóa các quy trình thủ tục XNK; Cải tổ cơ cấu, phân bổ nguồn lực để có thể sử dụng một cách tối ưu; Triển khai các biện pháp đảm bảo liêm chính hải quan, cải thiện sự minh bạch trong hoạt động hải quan; Giải quyết những khó khăn với doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan khác tham gia vào quá trình thông quan;…

Xin ông cho biết về phạm vi, phương pháp triển khai đo thời gian giải phóng hàng hóa XNK năm 2017 có điểm gì mới so với những năm trước?

Như trên đã nói, từ năm 2016, ngoài việc triển khai đo thời gian giải phóng hàng cấp ngành, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các cục hải quan địa phương tự tổ chức đo thời gian giải phóng hàng cấp Cục và báo cáo theo định kỳ hàng năm; trên cơ sở đó các cục hải quan tỉnh, thành phố xác định chỉ số gốc và đặt chỉ tiêu phấn đấu giảm thời gian làm thủ tục thông quan/giải phóng hàng hàng hóa xuất nhập khẩu của đơn vị theo từng năm

Cũng từ năm 2016, Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng một số công cụ để ghi nhận, kết xuất dữ liệu đo thời gian tự động từ các hệ thống CNTT, do đó dữ liệu đo thời gian có độ chính xác tương đối cao.

Năm 2017, Tổng cục Hải quan đã chỉnh sửa, bổ sung thêm một số chức năng trên hệ thống E-customs nhằm ghi nhận, khai thác một cách tối đa các dữ liệu đo thời gian trên các hệ thống CNTT giúp giảm bớt công việc và thời gian trong ghi nhận, truy xuất và tổng hợp dữ liệu đo thời gian giải phóng hàng, đem lại kết quả chính xác và nhanh chóng hơn.

Theo ông, để kết quả đo thời gian hàng hóa phản ánh đúng thực tế quá trình làm thủ tục hải quan, tại các đơn vị hải quan địa phương cần chú trọng những nội dung gì? Và công tác giám sát của Tổng cục Hải quan được thực hiện như thế nào?

 Để hoạt động đo thời gian đạt hiệu quả thiết thực, phản ánh đúng thực tế, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý điều hành của đơn vị hải quan các cấp và triển khai các biện pháp giảm thời gian thông quan, cần sự nỗ lực cố gắng và hợp tác tích cực của cơ quan Hải quan các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.

Tại các cục hải quan địa phương, lãnh đạo đơn vị (cục trưởng, chi cục trưởng) cần quan tâm, quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thực hiện chính xác, hiệu quả hoạt động đo thời gian giải phóng hàng cấp Cục;  sử dụng  các kết quả đo một cách phù hợp và hiệu quả trong công tác kiểm soát, quản lý điều hành của đơn vị.

Các đơn vị triển khai chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; quán triệt công chức thực hiện đúng theo hướng dẫn; phản ánh kịp thời vướng mắc để được hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình triển khai, tổng hợp; phân công cán bộ chuyên trách làm công tác đo thời gian nắm vững phương pháp để triển khai đo thời gian tại đơn vị chính xác, hiệu quả.

Về phía Tổng cục Hải quan sẽ tích cực hỗ trợ Hải quan địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai đo đúng phương pháp, chính xác; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc kịp thời cho các đơn vị trong quá trình triển khai đo. Thực hiện kiểm tra, giám sát quá trình triển khai đo của các đơn vị hải quan địa phương trên hệ thống CNTT thông qua khai thác, phân tích các dữ liệu đo của các đơn vị; tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn về công tác triển khai đo thời gian tại một số đơn vị. Xây dựng các công cụ để thu thập, tổng hợp dữ liệu, tính toán kết quả đo thời gian một cách tự động để công tác đo được thuận lợi, dễ dàng kiểm soát, cho kết quả chính xác nhất.

Bên cạnh đó, một bộ phận không thể thiếu trong cuộc đo thời gian giải phóng hàng là cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp cần giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Hải quan; tích cực phối hợp với cơ quan Hải quan trong nỗ lực chung nhằm giảm thời gian thông quan; cải thiện năng lực, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

Theo baohaiquan.vn

Chia sẻ bài viết: 

Tags:
hotline Zalo HCD Group Facebook HCD Group Youtube HCD Group